Hội nghị khoa học và Triển lãm sản phẩm công nghệ của học sinh, sinh viên năm học 2022 – 2023
|
Cắt băng khai mạc hội nghị khoa học và triển lãm sản phẩm công nghệ của học sinh, sinh viên năm học 2022 – 2023
|
Trong 2 ngày 17 và 18.12, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố và Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đồng triển khai “Hội nghị Khoa học và Triển lãm các sản phẩm công nghệ (BKDN Techshow) của học sinh, sinh viên năm học 2022-2023”. Gần 100 sản phẩm công nghệ của sinh viên, học sinh Đà Nẵng tham gia trưng bày tại triển lãm.
Đây cũng là năm thứ IV, trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), đưa sự kiện BKDN Techshow – trong khuôn khổ chuỗi hoạt động khoa học và công nghệ thường niên, về trường THPT ((2019, 2020: tổ chức tại trường THPT Phan Châu Trinh ; 2021, 2022: trường THPT chuyên Lê Quý Đôn).
“Hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên là một trong những hoạt động quan trọng , được lãnh đạo, cũng như lực lượng giảng viên và nhất là sinh viên nhà trường rất mực quan tâm. Chúng tôi cho rằng, điều này không chỉ góp phần đáp ứng tốt hơn, những mục tiêu của nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, mà còn giúp sinh viên hình thành tư duy và phương pháp làm việc khoa học, đáp ứng được những yêu cầu của một nhà kỹ thuật, nhà khoa học trong tương lai. Bên cạnh đó, thúc đấy ý tưởng tư duy sáng tạo, khởi nghiệp của sinh viên ngay khi còn trên ghế nhà trường”, PGS.TS Nguyễn Đình Lâm- Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) chia sẻ.
Lan tỏa tinh thần nêu trên về các trường THPT, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) thể hiện quyết tâm và nỗ lực triển khai các hoạt động STEM vào chương trình giáo dục phổ thông, sớm tạo môi trường và điều kiện, giúp các em học sinh trung học hiểu và sớm xác định rằng, nghiên cứu khoa học là việc phải làm khi đặt chân vào giảng đường đại học.
4 năm qua, sự kiện “Hội nghị khoa học và Triển lãm sản phẩm công nghệ của học sinh, sinh viên” trở thành điểm nhấn trong hoạt động hợp tác quan trọng của Nhà trường với Sở (Giáo dục & Đào tạo thành phố), cũng như các trường THPT trên địa bàn . Không chỉ tổng kết, đánh giá các hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên nhà trường, sự kiện dược ghi nhận là bước chuẩn bị cho học sinh trung học phổ thông các kiến thức về tư duy sáng tạo, vận dụng khoa học công nghệ giải quyết các vấn đề trong đời sống, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.
Sự kiện đã giữ vững nhịp cầu nối giữa giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Bách khoa với học sinh các trường THPT, mang đến một cơ hội giao lưu, học hỏi thêm kiến thức mới, lan tỏa và hun đúc niềm đam mê khoa học cho các em học sinh THPT. Ngoài ra, các em cũng có dịp tìm hiểu thêm các Khoa, ngành và chuyên ngành đào tạo của nhà trường, qua đó, định hình lại phương pháp học tập, xác định các sẽ ưu tiên đào sâu trong học tập, phù hợp với các khối thi.
Do vậy, mỗi năm diễn ra sự kiện, đã có hàng ngàn học sinh trung học phổ thông đến tham quan, tìm hiểu sản phẩm. Năm nay, ngoài học sinh trên địa bàn Đà Nẵng, còn có học sinh trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Quảng Nam), về tham dự sự kiện.
“Hội nghị khoa học và Triển lãm sản phẩm công nghệ của học sinh, sinh viên năm học 2022 – 2023”, có 20 đề tài xuất sắc về tính khoa học và ứng dụng, được tuyển chọn vào vòng chung khảo. Trong đó có 14 đề tài của sinh viên Trường Đại học Bách khoa và 6 đề tài của nhóm học sinh các Trường THPT. Đề tài được các em quan tâm đầu tư nghiên cứu, tập trung vào các thiết bị, sản phẩm phục vụ sản xuất, sinh hoạt, các hướng nghiên cứu về công nghiệp 4.0, Thành phố thông minh và cả ý tưởng sản phẩm hướng đến mục tiêu khởi nghiệp.
“Đối với trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, trong năm học 2022 – 2023, nhà trường đã triển khai 333 đề tài sinh viên Nghiên cứu Khoa học với sự tham gia của 838 sinh viên đến từ nhiều khóa học khác nhau, và đặc biệt, lực lượng sinh viên nghiên cứu khoa học ngày càng trẻ hơn, tham gia sớm hơn, nhiều em là sinh viên năm thứ hai, thứ ba.
Tất cả các Khoa đã tổ chức hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học tại đơn vị với tổng cộng 333 báo cáo tại 14 Tiểu ban chuyên môn, tạo nên một chuỗi hoạt động sôi nổi, lan toả rộng khắp. Phương thức tổ chức hội nghị cấp Khoa cũng rất sáng tạo, mang lại tính đa dạng và phong phú. Đơn cử như trình bày và quảng bá sản phẩm dưới dạng Poster; kết hợp giữa báo cáo là trình diễn ngay trên các thiết bị trước sự chứng kiến của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia, kỹ sư đến từ các doanh nghiệp,…; hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học kết hợp với định hướng nghề nghiệp, tuyển dụng. Và triển lãm công nghệ của sinh viên trường Đại học Bách khoa – BKDN Techshow cũng trở thành một sản phẩm truyền thống, mang dấu ấn đặc trưng và rất riêng của Học hiệu Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.
Theo đề xuất từ các Tiểu ban chuyên môn, Trường quyết định khen thưởng 14 giải Nhất, 16 giải Nhì, 21 giải Ba và các giải tiềm năng, công nghệ. Và đây cũng là các báo cáo, đề tài nghiên cứu xuất sắc được tuyển chọn để đăng vào kỷ yếu hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022”, TS. Tào Quang Bảng – Trưởng Phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng, cho biết.
Được biết, nhiều đề tài của sinh viên đã được doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu và hỗ trợ về kinh phí, linh kiện, thiết bị, vật tư, phần mềm nghiên cứu…: “Nghiên cứu chế tạo và nâng hiệu quả kháng khuẩn, kháng nấm của chế phẩm nano chitosan” của sinh viên khoa Hóa; đề tài “Găng tay phục hồi chức năng sử dụng bộ truyền động khí nén mềm hai chiều”, của sinh viên khoa Cơ khí; đề tài “Nghiên cứu chế tạo bộ công cụ đo mực nước theo thời gian thực cho hệ thống thoát nước ngầm đô thị” của sinh viên khoa Xây dựng công trình thủy.
“Chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đặc biệt hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên , là các điểm sáng trong nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần quyết định dẫn đến thành công của công tác đánh giá, kiểm định chất lượng của Nhà trường ở quy mô quốc gia và quốc tế. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên với những đề tài, giải pháp có tính ứng dụng, thực tiễn cao, đáp ứng các yêu cầu triển khai sản xuất, chuyển giao, nhận được sự quan tâm nhiều tổ chức, doanh nghiệp, đã mang lại uy tín cho học hiệu”, PGS.TS Nguyễn Đình Lâm- Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường nhấn mạnh thêm.
KẾT QUẢ: I. Bảng sinh viên nghiên cứu khoa học 1. Giải Nhất: Thiết kế, thi công hệ thống điều khiển và giám sát Robot song song ba bậc tự do từ máy tính của hai em Nguyễn Đức Phúc và Trương Hoàng Quân (Khoa Điện); GVHD: PGS.TS Lê Tiến Dũng. 2. Giải Nhì: – Máy sản xuất dây bọc xoắn nhựa PE của các bạn Phan Lê Kỷ Nguyên, Hồ Viết đức Long và Hoàng Tuấn Hiệp ; GVHS: TS Đặng Phước Vinh, khoa Cơ khí – Tự động hóa thiết kế trong xây dựng sử dụng AI và Blockchain của hai em Nguyễn Đình Huy và Nguyễn Lê Anh Minh (khoa Xây dựng công trình thủy); GVHD: TS Phạm Thành Hưng. 3. Giải Ba: – Nghiên cứu chiết xuất các polysaccharide có hoạt tính sinh học cao từ rong mơ và ứng dụng trong sản xuất đồ uống dinh dưỡng của hai em Bùi Hữu Nghĩa và Lý Thị Hằng Nga (Khoa Hóa); GVHD: TS.Tạ Thị Tố Quyên. – Giải pháp quản lý thu phí đỗ xe bán tự động của các em Đào Trọng Nhân, Ngô Văn Tuấn Huy và Ngô Viết Huy Hoàng (khoa Điện tử viễn thông); GVHD: TS.Đào Duy Tuấn. - Nghiên cứu ảnh hưởng thành phần hữu cơ đến tốc độ chuyển hóa trong xử lý nước thải chế biến thủy sản bằng quá trình sinh hóa hiếu khí, của các em Nguyễn Thị Thu Thảo, Ngô Hữu Thanh Phước, Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Ngọc Hân (Khoa Môi trường); GVHD:Thạc sỹ Phan Thị Kim Thủy, PGS.TS Trần Văn Quang, Thạc sỹ Hoàng Ngọc Ân.
II. Bảng học sinh nghiên cứu khoa học I. Giải Nhất: – Ứng dụng Deep Learning nhận diện bệnh viêm phổi và lao phổi qua hình ảnh X-Quang, của hai em Văn Đức trường Giang và Nguyễn Thị Thanh Châu (lớp 12/9 trường THPT Phan Châu Trinh , lớp 11A1 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn); GVHD: TS Nguyễn Thanh Hưng. – Phần mềm phát hiện tin nhắc tục trên mạng xã hội của hai em Nguyễn Hữu Phúc Toàn và Phạm Nguyễn Đăng Huy (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn); GVHD: ThS. Nguyễn Hữu Siêu. 2. Giải Nhì: – Máy cho động vật ăn theo giờ, của em Nguyễn Minh, lớp 11/5 trường THPT Thanh Khê; GVHD: Cô Phan Thị Diệp. 3. Giải Ba: - Ứng dụng Công nghệ nhận dạng giám sát và hỗ trợ phát hiện bệnh trong việc trồng ngô, của em Nguyễn Huy Trọng, Phan Trung Kiệt (lớp 10A2 – Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn); GVHD: ThS. Nguyễn Hữu Siêu.
Ngoài ra còn có các giải về Ý tưởng, Giải Công nghệ, Giải giành cho học sinh THPT.
Xin chúc mừng các em!
MỘT SỐ HÌNH ẢNH:
 PGS.TS Nguyễn Đình Lâm- Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), phát biểu khai mạc.
 Triển lãm gần 100 sản phẩm công nghệ của sinh viên, học sinh Đà Nẵng


 BTC đã trao các giải Nhất, Nhì và Ba cho 2 bảng (sinh viên và học sinh).



|